Ngày 25/5/2017 Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã ký ban hành Quyết định số 2080/QĐ-BVHTTDL xếp hạng di tích quốc gia làng cổ Đông Hòa Hiệp huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Theo Quyết định, khu vực bảo vệ di tích được xác định theo biên bản và bản đồ khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích trong hồ sơ. Đồng thời, UBND các cấp nơi có di tích được xếp hạng, trong phạm vi nhiệm vụ quyền hạn của minh, thực hiện việc quản lý nhà nước đối với di tích theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
Vị trí và đặc điểm
Làng cổ Đông Hòa Hiệp, cách trung tâm Thị trấn Cái Bè khoảng 1km, nằm cạnh dòng sông Tiền và cách Chợ nổi Cái Bè hơn 1km, thuộc xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè. Cuối thế kỷ thứ 19 đến đầu thế kỷ 20, nhiều ngôi nhà được xây cất bằng các loại gỗ quý, có mái lợp ngói, cao và rộng, lối kiến trúc kết hợp phương Đông lẫn phương Tây, với vẻ đa dạng, vừa cổ kính vừa mang một chút hiện đại, nằm ẩn mình bên những vườn cây ăn trái sum suê, thoáng mát, cạnh những dòng sông, kênh rạch hiền hòa. Các ngôi nhà ở đây dù trải qua nhiều thời gian và những biến cố của chiến tranh, nhưng vẫn giữ được nhiều giá trị kiến trúc truyền thống của người Việt. Ngoài ra, còn có các nhà thờ họ, các đình chùa với những cây cổ thụ vẫn tỏa bóng theo thời gian, đã góp phần tạo ra diện mạo kiến trúc và cảnh quan nổi trội của làng so với các địa phương khác.
Nhà cổ Ông Kiệt
JICA và Trường đại học Nữ Chiêu hòa (Nhật Bản)
Năm 2011 được sự tài trợ của tổ chức JICA và Trường đại học Nữ Chiêu hòa (Nhật Bản) Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Tiền Giang đã phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Cái Bè triển khai dự án “Phát huy vai trò hỗ trợ cộng đồng trong phát triển du lịch bền vững thông qua du lịch di sản” tại xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè. Dự án đã tổ chức các lớp tập huấn về phát triển du lịch thông qua việc bảo tồn di sản văn hóa, các cuộc thi hàng rào hoa kiểng, tôn tạo cảnh quan môi trường trong khu vực làng cổ, phát hành sách ảnh và bản đồ để giới thiệu, quảng bá làng cổ đến khách du lịch. Đồng thời hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng nhỏ phục vụ du lịch như mở rộng tuyến đường du lịch, xây dựng cầu đi bộ, nhà nghỉ mát, hệ thống đèn chiếu sáng, bến tàu du lịch,…. Xây dựng thành Làng cổ Đông Hòa Hiệp, tạo điểm nhấn đặc trưng, hấp dẫn để thu hút nhiều du khách đến tham quan, trãi nghiệm và nghỉ đêm ở các ngôi nhà cổ (homestay) trong làng.
Nhà cổ Ông Ba Đức
Cơ sở để phát triển du lịch
Hàng năm huyện Cái Bè đón trên 100.000 lượt khách; năm 2016 đã đón được 150.000 lượt du khách đến tham quan, du lịch (có 115.000 khách quốc tế); trong đó có trên 70.000 lượt khách du lịch đến tham quan làng cổ. Góp phần thiết thực trong việc thúc đẩy phát triển du lịch Tiền Giang nói chung và huyện Cái Bè nói riêng. Qua đó, cho thấy làng cổ Đông Hòa Hiệp đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển du lịch thông qua bảo tồn, phát huy di sản gắn với du lịch sinh thái sông nước miệt vườn. Giúp nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa bản địa và phát triển du lịch cộng đồng, thu hút ngày càng nhiều du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Đồng thời tạo được nhiều công ăn, việc làm cho người dân, nâng cao đời sống cộng đồng địa phương và góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện nhà.
Nhà cổ Ông Võ
Các di tích khác
Được xếp hạng quốc gia dịp nầy còn có 5 di tích khác trên địa bàn các tỉnh Hải Dương, Bến Tre, Quảng Nam, Quảng Ninh và Nghệ An. Bao gồm: Di tích kiến trúc nghệ thuật Chùa Huề Trì, xã An Phụ, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Di tích kiến trúc nghệ thuật Đình Long Phụng, xã Long Định, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Di tích khảo cổ địa điểm Dinh chấn Thanh Chiêm, xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Di tích lịch sử Đồn Cao Đông Triều, phường Đông Triều và xã Hồng Phong, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Di tích khảo cổ hang Đồng Trương, xã Hội Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An.
Theo: Phòng. QLDL (NTP)