Trong các hình thái tín ngưỡng dân gian, thờ cúng tổ tiên là một loại hình tín ngưỡng cổ truyền mang tính phổ cập trong đời sống thường nhật của người Việt. Trãi qua bao thăng trầm và biến cố của lịch sử, nhưng tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên đã và vẫn chiếm được vị trí thiên liêng trong đời sống tinh thần của người Việt. Bắt nguồn từ niềm tin nơi tình thân và thấm nhuần đạo lí uống nước nhớ nguồn, thờ cúng tổ tiên đã trở thành một tập tục truyền thống có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của con người Việt Nam.
Nhà tri thức Phan Kế Bính đã từng viết về tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong gia đình việt nam trong “Việt Nam Phong Tục”:
“Xét cái tục phụng sự tổ tiên của ta rất thành kính, ấy cũng là nghĩa cử của người”.
Nghĩa vụ của đời người ấy được bắt nguồn từ niềm tin của người Việt, họ luôn tin rằng linh hồn của người thân đã khuất vẫn luôn hiện hữu trong cuộc sống gia đình, dòng tộc và tác động đến đời sống của con cháu.

Bàn Thờ Phật được đặt ở giữa gian nhà chính
Không lên thiên đàng, cũng không xuống địa ngục như quan niệm của Kito giáo hay quan niệm của một số tôn giáo khác. Trong quan niệm văn hóa thờ cúng tổ tiên của người Việt, sau khi qua đời, linh hồn của những người thân trong gia đình sẽ ngự trên bàn thờ để dõi theo và giúp đỡ những người thân nơi dương thế phù hộ cho họ khi gặp nguy khó hay mừng vui khi họ gặp mai mắn.
Còn với những người đang sống thì bổn phận là răn dạy, bảo ban các thế hệ sau phải luôn nhớ lấy cội nguồn, luôn nhớ tới những thế hệ tiền nhân đã phù hộ để gia đình và dòng họ có được những gì ngày hôm nay.
Trong tín ngưỡng thờ cúng ông bà tổ tiên của người Việt, đạo lý uống nước nhớ nguồn đóng vai tròng tiên quyết và tạo nên dòng chảy gắn kết tổ tiên với con cháu muôn đời. Bởi ngay từ khi sinh ra người Việt bao giờ cũng được cha mẹ, ông bà lúc sinh thời làm lễ báo cáo với tổ tiên về sự xuất hiện thành viên mới trong gia đình, dòng họ. Rồi tới khi dựng vợ, gã chồng, đi xa hay thi cử cũng phải thành tâm đãnh lễ báo cáo với tổ tiên.
Theo vòng tròn sinh tử của tạo hóa và đi theo giá trị cốt lõi là đạo lí uống nước nhớ nguồn, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt cứ vậy đã được biết bao thế hệ con cháu của biết bao dòng tộc gia đình Việt Nam gìn giữ. Trên những quan điểm đó, ta có thể thấy được bàn thờ tổ tiên của người Việt từ xa xưa đã có vai trò gắn kết hai cõi âm và dương ngay từ khi con người có được sự sống nơi dương gian cho tới lúc về với tiên tổ.
Bởi vai trò quan trọng và luôn hiện diện trong đời sống thường nhật của con người Việt Nam nên bàn thờ tổ tiên của gia đình Việt luôn được ngự trị tại nơi cao ráo, sạch sẽ và trang trọng nhất trong mỗi gia đình. Trên bàn thờ bày bát hương, chỗ thấp nến, bài vị hay ảnh của người quá cố đồ cúng cơ bản không thể thiếu là hương, hoa, quả cau – lá trầu, chén nước và chén rượu.
Không chỉ thờ cúng ông bà, cha mẹ, những người đã có công sinh thành mà nét tín ngưỡng truyền thống này còn có những khái niệm rất đặc biệt thể hiện rộng hơn về đạo lí uống nước nhớ nguồn của mỗi gia đình Việt như khái niệm Bà Cô Tổ và Ông Mãnh trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam.
Có thể thấy tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của Việt Nam mang một tính bình dị và giàu tính thực tiễn. Trong tín ngưỡng thờ cúng này đã thật sự nảy sinh mối quan hệ gần gũi, ấm cúng của một gia đình nhưng sống ở hai thế giới.
Linh hồn của các bậc tổ tiên luôn luôn bên cạnh con cháu, mách bảo và giúp con cháu có một cuộc sống tốt đẹp thuận hòa. còn những thế hệ con cháu ngay từ khi sinh ra đời cho tới khi về với tiên tổ luôn hiểu và nhận thức rõ ràng trách nhiệm của mình là phải tiếp nối cha ông. Răn dạy con cháu nhiều đời thành kính tổ tiên để đền đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục.
Bằng việc thờ cúng tổ tiên thế hệ trước nêu gương cho thế hệ sau không chỉ vì trách nhiệm đối với bật sinh thành mà còn để giáo dục, dạy dỗ con cháu lưu truyền nồi giống theo một hệ thống văn hóa dân tộc giàu tính nhân văn.
Theo: Từ Trong Di Sản