Đôi nét về lối kiến trúc của nhà thờ Cái Bè
Kiến trúc Roman là một trong những phong cách kiến trúc đỉnh cao của nhân loại còn ảnh hưởng sâu sắc đến ngày nay. Với đặc điểm thiên về kiểu mái vòm cong với các khối cột thể hiện nét tinh xảo, độc đáo mang hơi hướng của kiến trúc La Mã cổ đại, phong cách Roman phần lớn được ứng dụng trong các công trình kiến trúc tôn giáo như nhà thờ, tu viện và các công trình có tính chất phòng thủ.
Là một phong cách kiến trúc đặc trưng gắn liền với lịch sử của các vùng lãnh thổ ở Tây Âu trong một thời kỳ nhưng kiến trúc Roman có tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới sang cả châu Á và các châu lục khác. Hiện nay, chúng ta vẫn bắt gặp kiến trúc Roman ở các công trình nhà thờ được xây dựng từ thời Pháp thuộc ở nước ta với vẻ đẹp cổ kính và trang nghiêm như nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, nhà thờ Tân Định, nhà thờ Cái Bè…
Đặc biệt, nhà thờ Cái Bè là nhà thờ với kiến trúc đẹp, có tháp chuông cao nhất và có địa thế đẹp nhất trong tất cả các nhà thờ ở đồng bằng sông Cửu Long.
Tiền Giang là mảnh đất trù phú và giàu có trong các tỉnh miền Tây sông nước. Nơi đây phong cảnh hữu tình, con người hiền hòa và còn là vùng đất linh thiêng nơi có nhà thờ Cái Bè nằm bên bờ ngã ba sông, nơi dòng sông Tiền chảy êm đềm. Hướng mặt ra chợ nổi Cái Bè, nhà thờ Cái Bè đứng vững chãi vô cùng nổi bật giữa một vùng sông nước, thuyền bè tấp nập.
Nổi bật giữa một vùng sông nước
Lịch sử
Nhà thờ do linh mục Adophe Keller người Đức và bà con giáo xứ Cái Bè xây dựng từ năm 1929-1932. Nhà thờ được xây bằng bêtông cốt thép đúc đá sạn, có chiều dài 55m, rộng 16m, chiều cao mái chính 14m. Mặt bằng nhà thờ có hình thánh giá với một lòng chính và hai lòng phụ, hai cánh thánh giá rất cân đối với phần thân thánh giá, cánh thánh giá rộng 26m. Nhìn từ trên cao, nhà thờ như một dấu chữ thập khổng lồ nổi bật giữa khuôn viên cây xanh và xóm làng bình dị.
Ngoại thất
Mặt ngoài nhà thờ mang những nét trang trí và hoa văn đắp nổi rất cầu kỳ và ấn tượng. Ở hai cổng bên của mặt chính diện nhà thờ khắc hoa văn hình giàn nho. Chánh điện được chú tâm đến từng chi tiết nhỏ nhất. Việc thiết kế, lắp đặt nhiều cửa sổ đã khéo léo đưa ánh sáng từ bên ngoài chiếu vào bên trong nhà thờ. Mái vòm cao, chia múi với những hoa văn đơn giản mà tinh tế. Nội thất tráng lệ cùng những bức tranh được bài trí trang trọng bên trong nhà thờ. Tấm tranh bằng kính màu vừa có tác dụng chiếu sáng nội thất thánh đường vừa mang tính thẩm mỹ độc đáo, tạo nên một không gian linh thiêng cho những tín đồ tin tưởng nguyện cầu.
Cửa chính, cửa sổ và hoa văn của mái che trên cửa phụ đều được tạo tác rất công phu. Diềm mái kết hợp hài hòa với vẻ đẹp của các ô cửa. Từng chi tiết nhỏ được trau chuốt tỉ mỉ và giàu tính thẩm mỹ. Tất cả được kết hợp một cách liền mạch và tinh tế toát lên nét trầm mặc cổ kính. Nhà thờ có 5 bàn thờ bằng đá cẩm thạch quý và một bộ cửa kính màu rất đẹp với khuôn viên rộng và mát mẻ.
Trong ánh sáng hừng đông, toàn bộ quần thể nhà thờ trở nên đẹp lộng lẫy với tháp chuông cao vút, tượng đức mẹ uy nghi trên nền trời xanh, mái nâu sáng rực, dòng sông hiền hòa cũng bừng lên phản chiếu ánh bình minh.
Tháp chuông là điểm nhấn
Trong kiến trúc nhà thờ Roman, tháp chuông giữ một vai trò đặc biệt quan trọng. Bình thường nó dùng để hiệu triệu tín đồ. Khi có chiến tranh, dùng để quan sát được xa. Tại nhà thờ Cái Bè, tháp chuông cao 52m được trang trí bằng nhiều tháp nhỏ. Đỉnh tháp chuông có đặt một tượng Đức Mẹ bằng đất nung cao khoảng 2,3m. Bên trong tháp có bộ chuông rất lớn gồm 5 trái, trái lớn nhất có đường kính 1,35m. Tổng trọng lượng của bộ chuông 5 trái này là trên 4.500kg. Trên mặt mỗi quả chuông đều có các họa tiết tinh xảo, các hoa văn trên thân chuông rất đẹp. Bộ chuông được hãng đúc chuông uy tín của Pháp là Paccard cung cấp năm 1931.
Tháp chuông
Hãng Paccard có thiết kế quả lắc cân bằng rất nổi tiếng. Chuông sử dụng hệ thống quả lắc cân bằng nên dù qua hàng trăm năm sử dụng thì quả lắc và cái ngàm gắn quả lắc vào chuông vẫn không bị hao mòn đáng kể nên âm thanh vẫn chuẩn như lúc đầu. Dàn chuông được thiết kế tách biệt khỏi tháp, nên độ rung do chuông chuyển động gây ra không làm ảnh hưởng tới kết cấu tháp chuông và nhà thờ. Dưới chân tháp chuông là một hầm chứa nước khá lớn có tác dụng khuếch đại âm thanh của tiếng chuông.
Hoạt động của tháp chuông
Trong quá trình hoạt động của nhà thờ, có thời điểm các em thanh thiếu niên đang học phổ thông đã rất nhiệt tình phục vụ trong việc đổ chuông nhà thờ hàng ngày vì nơi đây chưa lắp đặt động cơ điện để kéo chuông nên phải dùng cách đạp hoặc xô đẩy cho chuông chuyển động. Mỗi ngày các em đều dậy từ 4 giờ sáng và leo lên tháp đổ chuông. Khi chuông đổ trong các ngày lễ lớn cả 5 quả chuông cùng ngân lên vang vọng trong phạm vi vài cây số.
Nhà thờ Cái Bè nằm gần dòng sông thơ mộng
Chuông nhà thờ thường đổ để báo giờ lễ cho giáo dân trong những ngày cầu nguyện, trong các dịp lễ quan trọng. Tháp chuông càng cao thì tiếng chuông càng bay xa. Trên thế giới có nhiều nhà thờ có những dàn chuông có đủ âm theo cao độ, có thể diễn tấu được giai điệu các bản nhạc bằng tiếng chuông. Tiếng chuông nhà thờ là âm thanh của sự yên lành, thanh bình, thánh thiện, gieo vào lòng người những cung bậc của bác ái và hân hoan.
Với vị trí tuyệt đẹp, nhà thờ Cái Bè có một sức cuốn hút đặc biệt với cả vẻ đẹp kiến trúc cũng như các câu chuyện mang màu sắc đời thường nhưng đầy rực rỡ. Đến với nhà thờ Cái Bè ngày nay không chỉ có các tín đồ Công giáo mà còn có các du khách đam mê nghệ thuật, nơi họ được thưởng lãm các chi tiết kiến trúc và điêu khắc rất tinh tế và bầu không khí rất trong lành.
Nguồn: Tong Do Tien